Chính Sách Định CƯ Úc

7399 Lượt xem

Dưới đây là những kinh nghiệm và hiểu biết về chính sách nhập cư Úc mà mình rút tỉa được từ chính kinh nghiệm bản thân, mình sẽ cố gắng viết chính xác nhất có thể, tuy nhiên nếu phát hiện thấy có điểm nào chưa hợp lý xin bạn hãy cùng chia sẻ bằng cách comment vào khung thảo luận bên dưới.

Trước khi chọn Úc, mình đã cân nhắc khá nhiều nước như Mỹ, New Zealand, Canada, Singapore… Cuối cùng mình chọn nước Úc vì một số lý do mà mình đã viết trong bài Vì sao mình chọn nước Úc?

 

Cũng xin nhấn mạnh rằng mình không muốn so sánh giữa Úc và Việt Nam, những ai đã đọc các bài viết của mình hẳn biết rằng mình dành rất nhiều tình cảm cho quê hương. Những ai đi thì đã đi, những ai ở thì đã ở, bài này chỉ đơn thuần mình chia sẻ lại những hiểu biết về chính sách nhập cư mà mình biết cho những bạn nào cần.

 

 

Mục tiêu của việc di trú là có thường trú nhân – Permanent Resident (thường gọi là PR). Sau khi đã có PR thì coi như 99% đã hoàn tất việc di trú vì với visa PR bạn có đầy đủ mọi quyền của một công dân Úc: được hưởng medicare (chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí của chính phủ), được ưu đãi mua nhà, ưu đãi học hành,… chỉ thiếu duy nhất một quyền so với công dân Úc, đó là quyền bầu cử.

 

Sau khi giữ PR 1 năm (và đã ở Úc được liên tục 4 năm gần nhất) thì bạn được quyền đăng ký để nhập tịch, sau khi nhập tịch thì bạn chính thức trở thành công dân Úc và có đủ mọi quyền bình đẳng như mọi công dân khác.

 

Không kể những diện như đầu tư, thân nhân bảo lãnh… Nếu chỉ tính những con đường tự đi thì theo mình quan sát, phổ biến nhất có 3 đường sau:

A. Skilled Migration

Diện này còn gọi là Skilled Independent visa (subclass 189), đây là đường phổ biến nhất dành cho các bạn có trình độ và bằng cấp đủ tiêu chuẩn. Hiểu nôm na là nước Úc có chính sách thu hút người tài vô để xây dựng đất nước cùng họ.

 

Úc có một hệ thống tính điểm nhập cư (gọi là Points Test), trong đó họ đưa ra nhiều tiêu chí để tính điểm như tuổi, tiếng anh, số năm kinh nghiệm, số năm đã ở Úc, bằng cấp…. Dựa vào hệ thống điểm này những ai đạt được tổng cộng từ 60 điểm trở lên thì đủ tiêu chuẩn để viết một đơn Expression of Interest (EOI) để vào một danh sách xét duyệt (pool). Mỗi năm chính phủ sẽ có những chỉ tiêu về số lượng người được phép nhập cư cho từng ngành (quota), họ sẽ xét trong danh sách này theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Việc này gần giống với xét điểm đại học ở Việt Nam.

 

Như vậy ngành nào có nhiều người nộp đơn và số lượng quota được cấp ít thì điểm sẽ càng cao. Ví dụ năm 2015 ngành kế toán quá nhiều người nộp đơn cộng thêm chính phủ lại giảm quota nhập cư cho ngành này nên điểm nhập cư đã tăng lên 70. Việc chênh lệnh 10 điểm này trong nhiều trường hợp sẽ là một trở ngại rất lớn vì đôi khi chỉ thiếu 5 điểm thôi đã phải trần ai rồi.

 

Có 2 yếu tố quan trọng khi apply trong diện này:

  • Bạn phải là “người có kỹ năng” (theo tiêu chuẩn của họ).
  • Kỹ năng của bạn phải thuộc nhóm họ cần (những ngành mà họ đang thiếu người).

 

Để biết kỹ năng của mình có thuộc nhóm mà họ cần hay không thì họ có 1 danh sách gọi là SOL List (Skilled Occupations List). Trong danh sách này họ ghi cụ thể tên những ngành, vị trí và mô tả chi tiết công việc của từng chuyên ngành mà họ đang cần. Điều đầu tiên cần làm là kiểm tra xem chuyên môn của mình có thuộc ngành mà họ cần không.

 

Sau khi xác định kỹ năng của bạn đã thuộc danh sách SOL, bước kế đến là xét xem bạn có đủ trình độ chuyên môn mà họ cần hay không.

Để xác minh được tiêu chí này thì phải qua một bước gọi là Migration Skills Assessment, bộ di trú ủy quyền việc này cho một loạt tổ chức chuyên môn chứng nhận, ví dụ ngành IT thì do ACS (Australian Computer Society) chứng nhận, tương tự với các ngành khác thì sẽ có tổ chức khác chứng nhận.

 

Để có được Skill Assessment thì ACS cơ bản dựa trên 2 yếu tố:

  • Bằng cấp.
  • Kinh nghiệm làm việc.

Với những ai có bằng cấp:

– Bằng cấp càng cao càng được nhiều điểm (Tiến sĩ > Thạc sĩ > Cử nhân).
– Bằng cấp do các trường đại học Úc cấp thì được ưu tiên hơn.
– Yêu cầu thêm 1-2 năm làm việc trong vị trí đúng chuyên ngành.

 

Sau khi có hết những hồ sơ chứng minh thì nộp đơn cho đơn vị chuyên môn để họ xét duyệt.

 

Với những ai không có bằng cấp: sẽ phức tạp hơn một chút.

 

Đối với một số ngành (như IT), họ cho phép quy đổi số năm kinh nghiệm làm việc ra tương đương bằng đại học, cụ thể với IT họ đòi trên 8 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương cộng thêm 2 bản giải trình kỹ thuật cho 2 dự án gần nhất (trong vòng 3 năm) mô tả rằng bạn đã thực sự đảm nhiệm những công việc tương ứng với các kỹ năng họ yêu cầu. Khi làm các bản giải trình này thì phải làm càng kỹ càng tốt, giống như một bộ bảo vệ luận án vậy.

 

Lưu ý là kinh nghiệm làm việc phải có xác nhận của công ty. Khi xét duyệt người của ACS hoặc bộ di trú sẽ tiến hành xác minh, nếu không đúng sự thật thì sẽ bị xem như gian dối và vào black list, tương đương với việc gần như không bao giờ được cấp visa vào Úc nữa.

 

Sau khi đã được cấp Skill Accessement rồi thì quay lại tiếp tục với các thủ tục khác cho bên di trú.

 

Bộ di trú sẽ yêu cầu các tiêu chí khác như trình độ tiếng Anh, sức khỏe, hồ sơ tư pháp/police check,… Sau khi đủ hết tất cả các yêu cầu (đủ số điểm) thì bạn sẽ được nộp đơn và được vào danh sách hàng chờ. Họ sẽ kiểm tra xem tiêu chí nào của bạn được công nhận và tiêu chí nào không, từ đó ra tổng số điểm. Sau đó sẽ ưu tiên xét từ cao xuống thấp, nói nôm na là ai cao điểm hơn thì họ nhận.

 

B. Diện công ty bảo lãnh:

Đi theo diện này chúng ta rất khỏe vì không phải làm gì nhiều, cũng không phải quan tâm đến thang điểm như diện 189, và cũng không cần phải lệ thuộc vào danh sách SOL (nhưng vẫn phải thỏa mãn danh sách CSOL – là một danh sách có nhiều ngành hơn SOL)

 

Tuy nhiên, chúng ta khỏe thì ngược lại công ty bảo lãnh chúng ta thì sẽ “khổ” hơn rất nhiều. Cụ thể công ty phải trải qua 3 bước:

 

B1. Công ty nộp đơn xin được bảo lãnh

 

Nói nôm na cho dễ hiểu thì ở bước này công ty phải giải trình với bộ di trú: “Công ty chúng tôi cần người để giúp vô phát triển công ty, nhưng chúng tôi tuyển mãi ở Úc mà không có ai phù hợp, anh vui lòng đồng cho tôi bảo lãnh một người nước ngoài vô làm”.

 

Để giải trình thì công ty phải đáp ứng:

a) Tránh trường hợp lập công ty ma để bảo lãnh, bộ di trú yêu cầu công ty phải đủ tiêu chuẩn để sponsorship, ví dụ: số năm hoạt động của công ty đã đủ lâu chưa, doanh thu hàng năm của công ty có đủ lớn không, số lượng người trong công ty có đủ đông không,…

 

b) Chứng minh được rằng đã làm mọi cách để tuyển ngưởi bản địa nhưng không tìm ra:
– Đã cố gắng đầu tư cho hoạt động đào tạo (tối thiểu 1% tổng doanh thu của công ty + và phải làm liên tục trong 3 năm). Rất nhiều công ty rớt ở điểm này vì 1% tổng doanh thu thường rất nhiều, đặc biệt là với những công ty có doanh thu lớn.
– Đã cố đăng tuyển dụng trong thời gian dài mà không được.
– Và còn một lô lốc rất nhiều thủ tục khác mà công ty phải chứng minh. Những thủ tục này thường khá rườm rà và hầu hết các công ty thường phải nhờ đến các luật sư di trú để họ giúp chuẩn bị hồ sơ.

 

Sau khi chuẩn bị đủ hết các yêu cầu thì công ty được quyền nộp hồ sơ (lodge application) và chờ bộ di trú xét duyệt. Nếu bộ di trú đồng ý cho công ty được phép bảo lãnh thì sẽ sang bước 2.

 

B2. Công ty tiến cử bạn

 

Bước này nôm na: “Anh đã cho phép rồi thì giờ tôi xin được đề cử người này, hắn là đứa phù hợp với công ty tôi nhất”

 

Bước này lại thêm một lô thủ tục cần chứng minh nữa, ví dụ trong đó có yêu cầu mức lương trả cho người nước ngoài đó phải bằng hoặc cao hơn mức lương thị trường ở Úc (để tránh trường hợp thuê lao động nước ngoài vì giá rẻ).

 

Sau khi bộ di trú đồng ý cho phép công ty tiến cử bạn là đến bước 3.

 

B3. Bạn nộp đơn xin bảo lãnh:

 

Nôm na: “Tôi chính là người được đề cử và tôi chứng minh tôi đủ khả năng để đảm đương vị trí công việc đó”

 

Việc chứng minh bao gồm:

a) Chứng minh kỹ năng: việc chứng minh này cũng tương tự như bước Migration Skills Assessment bên trên, và cũng do ACS xét nếu là ngành IT. Nếu mức lương mà công ty dự định trả cho bạn cao hơn $180.000/năm thì không phải qua bước chứng minh này.

b) Trình độ tiếng Anh đủ để làm việc

c) Hồ sơ tư pháp/police check đủ tiêu chuẩn, trong quá khứ không vi phạm chính sách nhập cư (của bất kỳ nước nào chứ không phải chỉ riêng Úc), không bị các bệnh truyền nhiễm, có hồ sơ bảo hiểm,…

 

Sau khi nộp hồ sơ thì lại chờ bộ di trú xét duyệt và cấp visa.

 

Đi đường này thì có 2 hướng:

– Một hướng là bảo lãnh thẳng vô PR luôn (gọi là Direct Entry Stream – subclass 186)
– Một hướng là Temporary Skilled Worker (subclass 457). Visa 457 có hiệu lực trong 4 năm, tuy nhiên chỉ cần cầm visa 457 trong 2 năm thì sẽ được quyền apply PR.

 

Cách này nghe thì có vẻ “đơn giản” nhưng thật ra lại một cách khá khó, vì:

  • Hầu hết các công ty ở Úc đòi phải có quyền làm việc ở Úc rồi mới tính tới chuyện phỏng vấn này nọ, nếu không có visa làm việc thì họ loại từ đầu (như kiểu con gà và quả trứng).
  • Vì thủ tục quá phức tạp về phía công ty nên thường thì họ rất ngại sponsor cho ai, thậm chí luật sư làm hồ sơ cho mình còn kể rằng họ cũng rất ngại bảo lãnh cho nhân viên vì thủ tục quá phức tạp.

 

Do đó nên để đi được theo dạng này thì chúng ta cần phải chứng minh rằng mình phải thật sự xứng đáng để họ cất công làm đủ thứ thủ tục kể trên.

 

Bạn lưu ý rằng có một số nơi người ta lập lên các “công ty ma” để bảo lãnh người nhập cư theo dạng này. Bạn không nên chọn các dịch vụ này vì đây là phạm luật và bạn sẽ đặt mình vào vị trí rủi ro bị lừa đảo, mất thời gian, mất tiền bạc và trường hợp xấu nhất là sẽ bị đưa vào danh sách đen, dẫn đến việc bị cấm cửa nhập cảnh Úc mãi mãi. Dù sao đi nữa, đi bằng chính năng lực của mình vẫn đáng tự hào hơn là bằng con đường “lòn lách” dù có thành công đi chăng nữa. Chưa kể những việc như vậy sẽ làm người Việt mình thêm mang tiếng xấu.

C. Đi học và xin định cư

Thật ra đây không hẳn là một hướng khác mà chỉ là một sự chuẩn bị cho 1 trong 2 con đường bên trên. Cụ thể thì chọn học ngành phù hợp với nhu cầu nhập cư của Úc và sau đó đi theo dạng Skilled Migration hoặc sau khi học xong thì tìm công ty làm việc để đi theo dạng công ty bảo lãnh.

 

Ngoài ra có một lưu ý nhỏ là mọi người cẩn thận lừa đảo khi chọn luật sư và các dịch vụ di trú, bất kỳ nơi nào quảng cáo rằng có “tay trong” làm trong bộ di trú, có thể linh động này nọ,… tất cả đều là lừa đảo. Với cách mà chính phủ Úc hoạt động thì một người không thể có khả năng chi phối quyết định (thủ tướng làm bậy còn rớt chức), chưa kể Úc là một trong những nước có tỉ lệ tham nhũng rất thấp.

 

Các chính sách nhập cư của chính phủ Úc được ghi rất rõ ràng trên website của bộ di trú, chỉ cần chịu khó nghiên cứu thì bạn vẫn có thể tự chuẩn bị hồ sơ và tự apply được. Tất nhiên khi có luật sư thì chúng ta sẽ khỏe hơn rất nhiều, nhưng không có nghĩa là bắt buộc phải có luật sư thì mới được. Mình đã biết nhiều trường hợp bạn bè tự làm đều ổn cả, trường hợp của mình do được công ty trả chi phí luật sư nên mình mới có luật sư, nếu bình thường thì mình cũng sẽ tự làm.

 

Bên trên chỉ là vài hiểu biết hạn hẹp của mình về chính sách nhập cư của Úc, nếu phát hiện có thông tin gì chưa chính xác xin mọi người báo để mình sửa, nếu có thắc mắc gì bạn có thể đăng vào phần trả lời bên dưới, mình sẽ cố gắng trả lời trong khả năng hiểu biết của bản thân.

 

--------------


NTTC WORKS - TỔ CHỨC TƯ VẤN DU HỌC, LÀM VIỆC, ĐỊNH CƯ QUỐC TẾ

 

VIETNAM OFFICE
●Address: Tầng 3, số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
●Hotline: 1900 56 1278
●Email: contact@nttcgroup.vn
●Website: http://www.nttcworks.vn

 

CANADA OFFICE
●Address: 200-375 Water Street, Vancouver, British Columbia
●Email: contactus@nttcgroup.vn

 

Đặt lịch hẹn tư vấn